Thời gian: 15/3/2021
Địa điểm: Sân trường
Đối tượng: CBGV, HS
Người giới thiệu: Nguyễn Thị Thảo
Tên sách: “Lịch sử Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên Việt Nam”
Tác giả: Văn Tùng
NXB: Thanh niên
Kính thưa các thầy giáo, cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930, Đảng đã thấy rõ tầm quan trọng của việc xây dựng tổ chức Đoàn. Tại hội nghị, Ban Chấp hành lần thứ Hai họp từ ngày 20 đến 26/3/1931, Trung ương Đảng đã dành một ngày trong thời gian hội nghị để bàn và quyết định những vấn đề quan trọng về công tác vận động thanh niên của Đảng. Xuất phát từ ý nghĩa đặc biệt ấy, được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Bác Hồ, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 là ngày thành lập Đoàn.
Trước sự phát triển lớn mạnh của Đoàn trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, ở nước ta xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở với khoảng 1.500 đoàn viên và một số địa phương đã hình thành tổ chức Đoàn từ xã, huyện đến cơ sở.
Sự phát triển lớn mạnh của Đoàn đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên nước ta. Đó là sự vận động khách quan phù hợp với cách mạng nước ta; đồng thời, phản ánh công lao trời biển của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng kính yêu. Người đã sáng lập và rèn luyện tổ chức Đoàn.
Ngày 26/3 trở thành ngày vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quang vinh.
Từ ngày 26/3/1931 đến nay, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng Đoàn đã đổi tên nhiều lần.
- Từ 1931 - 1936: Đoàn TNCS Việt Nam, Đoàn TNCS Đông Dương
- Từ 1937 - 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương
- Từ 11/1939 - 1941: Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương
- Từ 5/1941 - 1956: Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam
- Từ 25/10/1956 - 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam
- Từ 2/1970 - 11/1976: Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh
- Từ 12/1976 đến nay: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
Những thế hệ thanh niên kế tiếp nhau đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do của Tổ Quốc, vì chủ nghĩa xã hội đã liên tiếp lập nên những chiến công xuất sắc và trưởng thành vượt bậc.
Đọc lịch sử đoàn, mọi cán bộ, đoàn viên thanh niên hãy tự soi mình để tự rèn luyện, phấn đấu tốt hơn góp phần xứng đáng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa yêu quý của chúng ta.
Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu quá trình đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đoàn và phong trào thanh niên của đông đảo cán bộ đoàn viên, thanh niên trong cả nước, Ban thường vụ TW Đoàn giao trách nhiệm cho Ban Biên tập lịch sử Đoàn tổ chức sưu tầm, tập hợp tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau và tiến hành biên soạn cuốn “Lịch sử Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên Việt Nam” cuốn sách dày 734 trang do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành.Cuốn sách gồm 5 phần;
- Phần thứ nhất: Đoàn TNCS đông dương ra đời, cuộc đấu tranh tiến tới tổng khởi nghĩa dành chính quyền về tay nhân dân (1925-1945).
- Phần thứ 2: Tích cực bảo vệ, xây dựng chính quyền cách mạng, anh dũng chiến đấu chống thực dân pháp xâm lược (1945-1954).
- Phần thức 3: khôi phục và phát triển kinh tế xã hội ở miền Bắc; Đấu tranh bảo vệ hòa bình, đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở miền nam (1955-1964).
- Phần thứ 4: Đánh thắng chiến tranh phá hoại trên miền bắc, chiến tranh cục bộ và chiến lược việt nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ ở miền nam, tuổi trẻ cả nước cống hiến xuất sắc đưa sự nghiệp giải phóng miền nam đến toàn thắng (1965-1975).
- Phần thứ 5: Xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN thống nhất, góp phàn xứng đáng vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (1975-1999).
Nội dung phần mở đầu của cuốn sách.
- Phần mở đầu: Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội.
Câu nói của Bác Hồ trong bức thư gửi cho thanh thiếu niên nhân ngày Tết Độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam sau ngày cách mạng thành công (1-1946) không chỉ nói lên niềm tin vào thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng tương lai của đất nước mà còn nêu lên một chân lý lịch sử về vai trò của các thế hệ trẻ đối với tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Ngay ở buổi bình minh của lịch sử dân tộc ta, những truyền thuyết gắn liền với thời đại các vua Hùng dựng nước đều biểu dương sức trẻ trong công cuộc chinh phục thiên nhiên như: Sơn Tinh, Thủy Tinh, Mai An tiêm..., xây dựng đời sống, tập quán văn hóa như: Lang Liêu với sự tích bánh chưng, Chử Đổng Tử...và đặc biệt trong sự nghiệp giữ nước. Câu truyện truyền thuyết về Thánh Gióng, cậu bé làng Phù Đổng tuổi nhỏ chí lớn đã gánh vác việc nước, cưỡi ngựa sắt đánh giặc Ân bảo vệ tổ quốc đã trở thành biểu tượng của ý trí độc lập tự do cho dân tộc ta.
“Thiếu niên ta rất vẻ vang
Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời
Tuổi tuy chưa đến chín, mười
Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương”
(Hồ Chí Minh, Lịch sử nước ta)
Chính sức trẻ của các thế hệ thanh thiếu niên của mọi thời đại trong lịch sử đã mang lại sức mạnh cho dân tộc ta vượt qua mọi thử thách. Một ngàn năm đô hộ của nhà Hán được chính sử ta chép lại như một đêm trường nô lệ, nhưng ở đó vẫn lóe sáng lên những tấm gương nghĩa liệt của các thế hệ người Việt yêu nước chống lại ách thống trị và âm mưu đồng hóa của ngoại bang. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng bùng nổ vào giữa thế kỷ đầu tiên sau công nguyên (40-43) là ngọn cờ của tuổi trẻ. Sử sách không nói chính xác tuổi của Hai Bà khi dựng cờ tụ nghĩa, nhưng cuộc nổi dậy với lý tưởng;
“ Một xin rửa sạch mối thù
Hai, xin đem lại nghiệp xưa vua Hùng...”
đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia mà sử sách hay các thần phả ở nhiều địa phương còn lưu giữ được cho biết một đội ngũ rất đông đảo các tên tuổi các vị tướng của Hai Bà tuổi còn rất trẻ như Thánh Thiên, Lê Chân, Thiều Hoa, Xuân Nương, Cao Thị Liên...tất cả đều ở độ tuổi đôi mươi.
Cuộc khởi nghĩa lan rộng, nghĩa quân chiếm được 65 thành và Hai Bà đóng đô ở Mê Linh, nhưng cuối cùng cũng thất bại sau khi nêu được khí tiết lẫm liệt của một dân tộc sẵn sàng hi sinh để giành quyền tự chủ đối với giang sơn gấm vóc của các vua Hùng để lại.
Hai thế kỷ sau, vào năm 246, một cuộc khởi nghĩa cũng do một thiếu nữ tuổi tròn hai mươi có tên là Triệu Thị Trinh chỉ huy đã bùng nổ từ căn cứ Ngàn Nưa (Thanh Hóa) nêu cao ý chí quật khởi:
“Người ta sống trong hồng trần, như mầm cây ngọn cỏ, tươi héo chỉ trong nháy mắt, từ thanh niên tới già cỗi nhanh tróng như bay, cho nên không kể là trai hay gái, phải lập công lớn để tiếng thơm ngàn năm, việc gì lại khom lưng làm tôi tớ cho kẻ khác...
Ta quyết cưỡi gió, đạp sóng, chém cá kình ngoài biển đông, quyét sạch bờ cõi, cứu dân khỏi lầm than, chứ không thể cúi đầu khom lưng làm tì thiếp người”.
Cũng như Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa của Triệu Thị Trinh cũng không thành, người nữ anh hùng đã lên núi Nùng tuẫn tiết khi vừa mới 22 tuổi (248) và được nhân dân muôn đời tôn vinh là vua Bà, Bà Triệu...
Sau Bà Triệu, lịch sử những thế kỷ sau của dân tộc ta còn được viết tiếp với những tên tuổi của những người anh hùng cứu nước mà tiêu biểu là Lý Bí người đã lãnh đạo nhân dân chống ách đô hộ của nhà Lương. Cuộc khởi nghĩa nổ ra vào năm 541 đánh chiếm Long Biên rồi liên tiếp đánh bại viện binh từ phương Bắc tới.Tháng 2 năm 544, Lý Bí xưng vương Lý Nam Đế lập ra nước Vạn Xuân.
Buổi giới thiệu sách đến đây là hết rồi. Cô mời các con về thư viện nhà trường đón đọc cuốn sách có số đăng ký cá biệt là STK 94 nhé. Hẹn gặp lại các con trong buổi giới thiệu sách lần sau.