Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu tại hội nghị
Thông tin tại hội nghị, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Chương trình Sữa học đường Hà Nội là đề án Sữa học đường lớn nhất cả nước về quy mô và giá trị. Từ ngày 02/01/2019, tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học đăng ký tham gia Chương trình Sữa học đường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đồng loạt triển khai cho trẻ uống sữa. Theo đó, trong ngày đầu tiên, toàn thành phố có 64% trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa. Sau 1 tuần triển khai có 100% các trường mầm non, tiểu học công lập và 61,8% các cơ sở giáo dục ngoài công lập tham gia với tỷ lệ uống sữa đạt 73%.
Hàng ngày, song song với việc tiếp nhận bảo quản tổ chức cấp phát và cho học sinh uống sữa tại trường đảm bảo các quy định an toàn thực phẩm, xử lý chất thải đúng quy định, các nhà trường đã kiên trì tuyên truyền vận động để phụ huynh tiếp tục đăng ký cho trẻ, đảm bảo 100% gia đình có trẻ tham gia được cung cấp thông tin về lợi ích và ý nghĩa của Chương trình Sữa học đường.
Tính đến hết tháng 01/2020, toàn thành phố đã có 1.059.854/1.162.607 trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia (đạt tỷ lệ 91,16%). Trong đó, khối mầm non, tiểu học công lập tỷ lệ trường tham gia là 100%, tỷ lệ trẻ đăng ký uống sữa là 93%; khối ngoài công lập (bao gồm trường mầm non, tiểu học ngoài công lập, hiệp quản, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập) tỷ lệ cơ sở giáo dục đăng ký tham gia mới đạt 86,74%, tỷ lệ trẻ đăng ký tham gia đạt 80,73%.
Từ tháng 2/2020 đến nay, toàn Ngành tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thành phố về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, học sinh phải nghỉ học tại trường, do đó trẻ em mầm non và học sinh tiểu học không được uống sữa. Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk giải quyết lượng sữa tồn đọng trong các nhà trường khi học sinh phải nghỉ học đột xuất do dịch bệnh và tiếp tục triển khai khi học sinh đi học trở lại.
Trong quá trình thực hiện Chương trình Sữa học đường, Sở Y tế Hà Nội cũng phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học và kiểm soát sữa học đường tại các quận, huyện. Ngoài ra, Sở Y tế Thành phố, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng tổ chức lấy mẫu sữa ngẫu nhiên để kiểm tra, đối chiếu thành phần, tiêu chí kỹ thuật sản phẩm với hồ sơ công bố của đơn vị cung cấp.
Theo ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT, tham gia Chương trình Sữa học đường, trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học hàng ngày được uống sữa tươi đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế. Ngoài ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ kinh phí, gia đình chỉ đóng góp 47% giá trị hộp sữa và miễn phí đối với học sinh diện nghèo, cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách đã thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, công bằng, bình đẳng trong cùng môi trường giáo dục, thực hiện đầy đủ Luật trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai Chương trình Sữa học đường vẫn còn một số hạn chế, chẳng hạn: Tỷ lệ học sinh đăng ký tham gia khối ngoài công lập đạt chưa cao; tỷ lệ tham gia chưa đồng đều giữa quận và huyện, tỷ lệ còn thấp ở những quận có nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập, vùng ven, dân số biến động cơ học lớn; Chương trình Sữa học đường năm 2018, 2019 vẫn còn gần 10% cơ sở giáo dục chưa tham gia và trên 102.000 trẻ trong diện thụ hưởng chưa được uống sữa…
Để tiếp tục triển khai đạt hiệu quả cao Chương trình Sữa học đường, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị các đơn vị từ Thành phố đến địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, công khai minh bạch về Chương trình Sữa học đường để phụ huynh học sinh nắm rõ. Giám đốc Sở GD&ĐT cũng đề nghị các nhà trường nêu cao trách nhiệm trong công tác truyền thông; các đơn vị tiếp tục rà soát việc thực hiện công tác này; phối hợp nhịp nhàng hơn cũng như cải tiến phương thức thực hiện khoa học từ việc đặt hàng, bàn giao sữa, cho học sinh uống sữa, đảm bảo an toàn chất lượng sữa... Các phòng GD&ĐT tăng cường công tác thanh kiểm tra nhằm rút kinh nghiệm trong suốt quá trình thực hiện, tránh sự cố xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh…
Ngành GD&ĐT đã lấy ý kiến và căn cứ nguyện vọng của phụ huynh học sinh cùng các nhà trường để đề xuất UBND Thành phố xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện Chương trình Sữa học đường giai đoạn 2020 - 2025. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các nhà trường tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018-2020 và chuẩn bị tốt cho giai đoạn 2021-2025.